#Phụ Nữ Mang Thai

xem thêm

viêm nhiễm phụ khoa

xem thêm

#kế hoạch

xem thêm

#thẩm mỹ vùng kín

xem thêm

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Cách Chữa Nứt Cổ Gà Không Ảnh Hưởng Đến Nguồn Sữa Mẹ

 

       Chỉ cần vài mẹo đơn giản sẽ giúp mẹ bầu thoát khỏi tình trạng nứt cổ gà khó chịu nhưng không làm ảnh hưởng đến việc cho con bú. Vậy nứt cổ gà là gì và cách chữa nứt cổ gà khi cho con bú là như thế nào?

 

       Với các bà mẹ bỉm sữa khi nuôi con bằng sữa mẹ, tình trạng nứt cổ gà là một trong những nỗi đau ám ảnh nhất. Đây là tình trạng mẹ dễ gặp phải và nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến triệu chứng đau rát, ảnh hưởng đến nguồn sữa cho bé... Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm cách chữa nứt cổ gà hiệu quả nhất.

 

Cách Chữa Nứt Cổ Gà Không Ảnh Hưởng Đến Nguồn Sữa Mẹ

Nứt cổ gà là gì?

       Nứt chân núm ti hay còn gọi là nứt cổ gà là tình trạng chân núm ti bị nứt gây đỏ tấy, có thể bị chảy máu, gây đau rát và khó chịu cho các mẹ mỗi khi cho con bú. Sau khi sinh 3 - 7 ngày, núm vú của mẹ có dấu hiệu nứt cổ gà. Nứt cổ gà ban đầu chỉ là những vết rách nhỏ hay vết nứt trên da của núm vú, có thể xuất hiện vết cắt trên đầu núm vú kéo dài cho đến gốc của đầu ti.

 

Nguyên nhân gây ra tình trạng nứt cổ gà ở phụ nữ khi cho con bú, cụ thể:

 

  • Do mẹ bế bé không đúng tư thế nên trẻ ngậm, bú ti mẹ sai cách.
  • Do sử dụng máy vắt sữa không đúng cách, lực hút quá mạnh làm tổn thương núm vú.
  • Các mẹ cho trẻ ngậm ti trong khoảng thời gian dài.
  • Trẻ bị nhiễm nấm men ở miệng hay tưa miệng, vô tình truyền vi khuẩn sang cho mẹ và gây tổn thương đầu vú.
  • Do mẹ bị chàm bội nhiễm gây nứt, làm chảy máu.
  • Trẻ mắc tật líu lưỡi ảnh hưởng đến việc bú mẹ.

 

Cách Chữa Nứt Cổ Gà Không Ảnh Hưởng Đến Nguồn Sữa Mẹ

Cách chữa nứt cổ gà khi cho con bú

       Các cách sau đây có thể khắc phục tình trạng nứt cổ gà một cách nhanh chóng:


Tạo cho trẻ thói quen bú đúng cách 


       Trước tiên, mẹ cần điều chỉnh cách bế bé khi bú sao cho đúng tư thế, tốt nhất là dựa vào thành giường hoặc ghế ngồi thoải mái. Sau đó, trợ giúp bé ngậm khớp vú theo các bước:

  1. ·       Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé.
  2. ·       Đảm bảo 3 điểm: Đầu – lưng – mông bé nằm trên một đường thẳng và bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt bé chạm ngực mẹ.
  3. ·       Đưa đỉnh ti chạm môi trên của bé, nếu bé sẳn sàng để bú, bé sẽ há miệng rộng (lưỡi bé lè dài ra phía trước).
  4. ·       Một bàn tay mẹ đỡ cổ bé, để đầu bé ngửa ra thoải mái, cằm bé tựa bầu vú mẹ (phần dưới).
  5. ·       Bàn tay kia tạo thành chữ C, ngón tay cái ấn nhẹ phía trên để hướng đỉnh ti lên phía môi trên của bé.
  6. ·       Đặt môi dưới của bé vào mép dưới của quầng vú (khoảng 1.5cm từ chân ti) cho bé bắt đầu ngậm từ môi dưới.
  7. ·       Đỉnh đầu ti lọt qua môi trên vào miệng bé, bé sẽ tự động ngậm được sâu và chắc.

 

Cách Chữa Nứt Cổ Gà Không Ảnh Hưởng Đến Nguồn Sữa Mẹ

 

Cho bé bú bên ngực không bị thương

       Mẹ vẫn có thể cho bé bú nếu vết nứt không quá sâu. Trong thời gian điều trị, mẹ nên cho bé bú ở bên ngực không bị nứt nếu vết nứt sâu và gây đau nhiều. Mẹ nên ngưng cho con bú mà chỉ vắt sữa mẹ vô bình hoặc cốc cho bé bú. Chỉ cho bé bú lại khi nào vết nứt khô, lành hẳn.

 

Ngâm nước muối loãng

       Dùng nước muối loãng sẽ giúp hydrat hóa da và thúc đẩy quá trình chữa lành nên đây là cách chữa nứt cổ gà tốt cho mẹ, cách làm như sau:

 

  • Trộn 240ml nước ấm và 1/2 thìa cà phê muối.
  • Sau khi cho bé bú, mẹ ngâm đầu ti với một chén nước muối ấm.
  • Để yên trong 1 đến 2 phút để nước muối thấm hết và sát trùng các vết thương.
  • Mẹ cũng có thể dùng bình xịt để phủ dung dịch lên tất cả các vùng của núm vú.
  • Sau đó, nhẹ nhàng thấm khô các vết thương.

       Lưu ý, mẹ không nên ngâm đầu ti quá lâu vì có thể làm da bị khô khiến vết nứt thêm sâu. Hãy pha dung dịch nước muối mới hàng ngày để giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn. Nên rửa sạch núm vú trước khi cho bú để bé không thấy lạ miệng.


Sử dụng trà xanh

       Dùng nước trà xanh để vệ sinh núm ti giúp mẹ giảm đau đáng kể. Trong trà xanh có chất kháng khuẩn giúp làm lành các vết thương ngoài da nhanh chóng.

 

Mật ong - dầu olive

       Dùng mật ong nguyên chất là cách chữa nứt cổ gà được ưa chuộng. Mẹ hãy thoa mật ong lên vùng nứt cổ gà sẽ giúp mẹ làm mềm da và sát khuẩn. Trong mật ong có chất kháng sinh tự nhiên, giúp mẹ nhanh lành vết thương. Chữa nứt cổ gà bằng mật ong khá hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến nguồn sữa.

 

Cách Chữa Nứt Cổ Gà Không Ảnh Hưởng Đến Nguồn Sữa Mẹ

       Ngoài ra, mẹ có thể dùng dầu dừa ép lạnh hoặc dầu olive nguyên chất cũng giúp chữa nứt cổ gà hiệu quả.

 

Dùng sữa mẹ

       Sau khi rửa hai núm ti bằng nước muối và lau khô bằng khăn sạch, mẹ thoa vài giọt sữa mẹ lên chỗ núm vú bị nứt liên tục trong vài ngày thì sẽ khỏi bệnh. Đây là cách làm an toàn và đơn giản nhất.

 

       Trước khi nhỏ một vài giọt sữa mẹ lên núm vú, mẹ hãy rửa tay sạch. Chú ý để sữa khô trong không khí trước khi đậy nắp.

 

       Ngoài ra, nếu trẻ bị bệnh tưa miệng thì nên tránh dùng phương pháp này vì nấm men phát triển nhanh chóng trong sữa mẹ. Mẹ luôn rửa sạch sữa mẹ khỏi núm vú sau khi cho trẻ bú.


       Dùng sữa mẹ thoa lên chỗ đau cũng là cách chữa nứt cổ gà hiệu quả


via GIPHY


Miếng dán chuyên dụng

       Mẹ có thể dùng miếng dán chuyên dụng trị nứt cổ gà tại các nhà thuốc để dán lên vết nứt. Đến khi miếng dán bị ẩm hãy thay miếng lót cho con bú. Để hơi ẩm thấm vào núm vú của mẹ có thể làm chậm quá trình lành vết thương. Không dùng những miếng đệm lót làm bằng nhựa cho con bú vì cản trở luồng không khí. Hãy tìm những miếng đệm làm từ 100% cotton.

 

Cách Chữa Nứt Cổ Gà Không Ảnh Hưởng Đến Nguồn Sữa Mẹ


Kem hỗ trợ cải thiện nứt đầu ti

       Để giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, mẹ có thể sử dụng kem hỗ trợ cải thiện nứt đầu ti dành riêng đối với các bà mẹ cho con bú. Mẹ hãy bôi kem vào núm vú sau khi cho con bú. Mẹ không cần phải rửa hoặc vệ sinh núm vú trước khi cho con bú.


Cách Chữa Nứt Cổ Gà Không Ảnh Hưởng Đến Nguồn Sữa Mẹ


 ·       Kem Medela Purelan: Được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, không chứa chất bảo quản, là giải pháp điều trị hiệu quả cho đầu ti bị khô, nứt, chảy máu khi phụ nữ mang thai và cho con bú. Bé có thể bú trực tiếp sau khi mẹ thoa kem mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.


Đá lạnh

       Giải pháp chườm lạnh là một cách chữa nứt cổ gà hữu hiệu. Trước khi cho bé bú, mẹ nên áp túi chườm lạnh hoặc túi nước đá lên đầu ti để giảm đau rát.


 Xem thêm: 


- Nguyên Nhân Và Cách Phòng Tránh Mẹ Không Đủ Sữa Cho Con (Nhấn vô dòng gạch chân)


- Cấy Que Tránh Thai Uy Tín Ở Quy Nhơn (Nhấn vô dòng gạch chân)



Một số lưu ý khi bị nứt cổ gà

       Nếu bị nứt cổ gà cả 2 bên ngực thì các mẹ nên vắt sữa thường xuyên và cho trẻ bú bình để đảm bảo con vẫn được bú sữa mẹ mà không ảnh hưởng đến quá trình mẹ điều trị.

 

       Nếu các mẹ bỉm sữa chỉ bị nứt cổ gà một bên ngực thì nên cho trẻ bú bên bên ngực không bị nứt.

 

       Mặc áo ngực có chất liệu mềm, thoáng để làm giảm tình trạng cọ xát giữa áo với đầu ti.

 

       Để phòng ngừa bệnh, sau khi điều trị khỏi chứng nứt cổ gà thì mẹ vẫn tiếp tục vắt sữa và thoa đều lên vùng đầu ti để giúp đầu ti mềm tránh bị nứt.

 

       Nếu tình trạng nứt cổ gà vẫn không thuyên giảm sau khi đã áp dụng các phương pháp trên đây thì bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhà để được bác sĩ hỗ trợ tốt nhất.

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai

 

       Các loại thuốc sắt cho bà bầu thường được bác sĩ khuyên dùng trong thời kỳ mang thai, vì đây là giai đoạn cơ thể cần nhiều máu hơn để nuôi thai nhi. Tuy nhiên, những thông tin về thời gian dùng thuốc sắt cũng như các tác dụng phụ của thuốc đối với phụ nữ mang thai không phải ai cũng biết.

 

       Trong thai kỳ, nếu không được cung cấp đủ lượng sắt thiết yếu hàng ngày, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng gia tăng. Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt trong sáu tháng đầu của thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non lên gấp đôi và nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân tăng gấp ba lần.


Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai


Tại sao thuốc sắt cho bà bầu lại quan trọng đối với phụ nữ mang thai?

       Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin, một loại protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu, giúp mang oxy đến các mô và cơ quan. Khi mang thai, cơ thể phải sản xuất nhiều máu hơn để nuôi thai nhi cũng như cơ thể người mẹ. Trong giai đoạn này, cơ thể cần bổ sung thêm chất sắt để tạo máu hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng của thai nhi.

 

        Trong trường hợp bạn không được nhận đủ chất sắt từ chế độ ăn uống, cơ thể sẽ sử dụng lượng sắt dự trữ, dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu. Tình trạng phụ nữ mang thai bị thiếu sắt rất phổ biến. Ước tính có khoảng một nửa thai phụ trên toàn thế giới bị thiếu sắt.

 

       Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai làm tăng nguy cơ sinh non lên gấp đôi và nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân tăng gấp ba lần.

 

       Thực tế là tình trạng thiếu sắt có thể phòng ngừa và điều trị một cách dễ dàng. Trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba, bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm để xem bạn có bị thiếu sắt hay không. Nếu số lượng hồng cầu của bạn thấp, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn uống vitamin có bổ sung sắt.

 

       Lưu ý là trong thời kỳ mang thai, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược nào. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe cho bạn và bé.

 

Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai

Bổ sung sắt khi mang thai bao nhiêu là hợp lý?

       Các thuốc sắt dành cho bà bầu thường được bác sĩ khuyên dùng trong thời kỳ mang thai. Các chuyên gia đề nghị mẹ bầu nên uống khoảng 27mg sắt/ngày trong thời gian mang thai. Có 3 loại thuốc bổ sung sắt: gluconate sắt, fumarate sắt và sắt sulfat. Cả ba loại này đều tốt miễn là chúng có chứa hàm lượng sắt nguyên tố thích hợp.

 

       Thuốc sắt cho bà bầu nên uống khi nào? Bạn có biết cơ thể hấp thụ sắt tốt nhất khi bụng đói. Vì vậy bạn hãy uống thuốc bổ sung sắt cho bà bầu trước khi đi ngủ hoặc khi mới thức dậy vào buổi sáng. Bạn cũng có thể tránh một số loại thực phẩm nhất định làm giảm sự hấp thụ sắt trong cơ thể, như thực phẩm giàu canxi và caffeine. 

       Bạn hãy chắc chắn sử dụng chúng ít nhất vài giờ trước hoặc sau khi uống viên bổ sung sắt. Ngoài ra, bạn nên chú ý sử dụng nguồn thực phẩm giàu canxi trong suốt thai kỳ. Các chất dinh dưỡng khác có thể thúc đẩy sự hấp thụ sắt trong cơ thể, như vitamin C, do vậy bạn có thể uống viên sắt bổ sung với một cốc nước trái cây giàu vitamin C.

 

       Ngoài ra trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, bạn nên bổ sung ít nhất 9mg  sắt/ngày.

 

Hàm lượng sắt dùng trong thai kỳ bao nhiêu là đủ?

Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai


       Những người sống ở vùng mà tình trạng thiếu máu khi mang thai là vấn đề nghiêm trọng sẽ được khuyên dùng 60mg nguyên tố sắt/ngày. Nếu các chẩn đoán lâm sàng cho thấy bạn bị thiếu máu, bác sĩ có thể đề nghị bạn bổ sung 120mg nguyên tố sắt/ngày kèm theo 0,4mg axit  folic cho đến khi nồng độ hemoglobin trở lại bình thường.

       Sau đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn quay trở lại với liều chuẩn từ 30–60mg sắt nguyên tố/ngày. Việc uống bổ sung sắt có thể làm giảm khả năng hấp thụ kẽm từ chế độ ăn uống nên bác sĩ có thể theo dõi hàm lượng kẽm trong máu của bạn. Đa số các loại vitamin cho thai phụ có chứa kẽm. Do đó, nguy cơ thiếu kẽm không phải là vấn đề đáng lo.

 

Tác dụng phụ của thuốc sắt dành cho bà bầu

       Việc dùng thuốc bổ sung sắt cho bà bầu có thể khiến bạn gặp phải những tình trạng sau:

 

Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai


1. Táo bón

 

Hình ảnh minh họa

       Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc sắt trong thời gian mang thai hoặc thậm chí ở những người không mang thai là táo bón. Trong thực tế, hơn 10% những người uống viên sắt bị táo bón. Bạn có thể ngăn chặn điều này bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống thật nhiều nước. Thực hiện các bước để có bữa ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Tình trạng táo bón diễn ra dai dẳng hoặc có dấu hiệu xấu đi có thể cần đi khám tại bệnh viện.

 

2. Kích thích tiêu hóa

       Bạn cũng có thể bị đau bụng hoặc co thắt bụng trong khi dùng viên sắt bổ sung. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 10% người sử dụng viên sắt. Nếu bạn nhận thấy vấn đề này, hãy bắt đầu uống viên sắt cùng với bữa ăn để giảm các triệu chứng.

 

3. Buồn nôn và nôn

       Thuốc sắt có thể góp phần làm tình trạng ốm nghén trở nên nặng hơn. Do các vấn đề về dạ dày, các triệu chứng này thường nhẹ hơn nếu bạn uống viên sắt cùng với bữa ăn thay vì uống khi đói. Bạn cũng có thể làm giảm tác dụng phụ này bằng cách ngậm kẹo cứng hoặc nhai kẹo cao su. Nếu nôn và buồn nôn nghiêm trọng hơn hoặc kèm theo sốt, hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức.

 

4. Phân và nước tiểu sẫm màu

       Hơn 10% những người uống thuốc bổ sung sắt cho bà bầu khi mang thai nhận thấy phân sẫm màu. Phân xanh hoặc đen là bình thường. Khoảng 5% trường hợp có nước tiểu sẫm màu. Ảnh hưởng này là bình thường và sẽ hết khi bạn ngừng uống thuốc sắt.

 

Những thực phẩm giàu sắt tốt cho mẹ bầu


Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai


       Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt cho bà bầu, bạn có thể tăng cường nguồn cung cấp sắt từ thực phẩm. Có hai loại sắt: sắt chứa heme và sắt không chứa heme.

 

      - Sắt không chứa heme có trong cải chân vịt, đậu hũ, đậu và một số loại ngũ cốc…

      - Sắt chứa heme được tìm thấy trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm và cá.

       Cơ thể hấp thụ sắt chứa heme dễ dàng hơn so với sắt không chứa heme. Để đảm bảo bạn có đủ chất sắt, hãy ăn nhiều loại thức ăn giàu loại khoáng chất này mỗi ngày.

 

Dưới đây là bảng các loại thực phẩm có chứa sắt heme và hàm lượng sắt tính trên 85g của một số loại thịt:

Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai


Các nguồn thực phẩm cung cấp sắt không chứa heme và định lượng sắt tính trên 1 chén:


Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai


       Ngoài ra, 1 muỗng canh mật rỉ đường cung cấp 3,5mg sắt, 1 lát bánh mì nguyên hạt hoặc bánh mì trắng giàu dưỡng chất cung cấp 0,9mg sắt.

 

Những Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Sắt Cho Phụ Nữ Mang Thai

Bạn có thể lấy lượng sắt tối ưu từ thức ăn bằng cách:

 

  • Nấu thức ăn trong nồi/chảo sắt: Các loại thực phẩm có tính axit như  sốt cà chua, đặc biệt tốt khi được chế biến bằng loại dụng cụ này.
  • Tránh uống cà phê và trà đòng thời với thức ăn: Chúng chứa các hợp chất gọi là phenol gây trở ngại cho sự hấp thu sắt. Nếu có thể, hãy ngừng tiêu thụ caffeine trong khi mang thai.
  •        Ăn thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, dâu tây, bông cải xanh, đặc biệt là khi bạn ăn chay vì nguồn cung cấp sắt cho bạn chủ yếu từ các loại ngũ cốc. Vitamin C có thể làm tăng hấp thụ sắt của có thể lên đến sáu lần.
  •        Nhiều loại thực phẩm có chứa “chất ức chế sắt” có thể làm giảm lượng sắt mà cơ thể hấp thụ trong thức ăn được ăn cùng một lúc. Phytates trong ngũ cốc và các loại hạt, oxalat trong đậu nành và rau chân vịt, canxi trong các sản phẩm sữa là những ví dụ điển hình về chất ức chế sắt. Tuy nhiên bạn không nên loại bỏ những thực phẩm này khỏi chế độ ăn mà chỉ cần ăn cùng những thực phẩm có chứa vitamin C hoặc một số thịt, gia cầm, cá.
  •        Canxi và các sản phẩm từ sữa sẽ làm giảm khả năng hấp thu sắt. Do đó, nếu bác sĩ khuyên nên bổ sung sắt và canxi (hoặc thuốc kháng axit có chứa canxi), bạn nên trao đổi với bác sĩ về cách sử dụng sao cho đúng.

                                       

via GIPHY

Xem thêm: 




- Cấy Que Tránh Thai Uy Tín Ở Quy Nhơn (Nhấn vô dòng gạch chân)

Bạn có thể hấp thụ quá nhiều sắt không?

       Việc hấp thụ chất sắt nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể là hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn không nên dung nạp quá 45 mg sắt/ngày. Nếu cơ thể bạn dung nạp sắt quá nhiều (từ thực phẩm, viên uống bổ sung sắt bổ sung hoặc vitamin tổng hợp có bổ sung sắt trước khi sinh) sẽ khiến lượng sắt trong máu tăng quá cao, có thể gây ra vấn đề cho bạn và con bạn.

 

       Việc dung nạp quá nhiều sắt có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ hoặc tình trạng mất cân bằng oxy hóa. Sự mất cân bằng trong cơ thể được cho góp phần gây ra tình trạng vô sinh, tiền sản giật, sẩy thai, bệnh tim và huyết áp cao. Do đó, bạn chỉ nên bổ sung sắt khi mang thai dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Hướng Dẫn Phòng Ngừa Và Điều Trị Nhiễm Giun Kim

 

       Thế giới có khoảng 1 tỷ người đã và đang nhiễm giun kim. Giun kim có thể tạo ra các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung cũng như các vấn đề về đường tiêu hoá và bụng. Vậy bệnh giun kim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa nhiễm giun kim ra sao?


Hướng Dẫn Phòng Ngừa Và Điều Trị Nhiễm Giun Kim


Bệnh giun kim là gì?

       Bệnh giun kim là bệnh do nhiễm ký sinh trùng giun kim khi nuốt phải trứng giun, giun kim sẽ ký sinh vào cơ thể con người để tồn tại và sinh sản. Bệnh giun kim có triệu chứng điển hình là ngứa hậu môn, khó ngủ. Giun kim ở người không thể lây nhiễm cho bất kỳ loài động vật nào khác. Giun cái trưởng thành dài 8–13 mm và giun đực dài 2–5 mm, màu trắng nhìn giống như sợi chỉ nhỏ. Giun kim có thể sống 2 – 3 tuần.

 

Nguyên nhân bị nhiễm giun kim

       Người bệnh bị nhiễm giun kim do nuốt phải trứng giun kim trực tiếp hay gián tiếp. Những quả trứng này được giun ký sinh quanh hậu môn và có thể dính lên các bề mặt khác  như tay, đồ chơi, giường, quần áo, bồn cầu,… Trứng có thể lây nhiễm từ tay lên miệng, khiến người bệnh nuốt phải trứng và bị nhiễm giun kim. Trứng giun kim rất nhỏ, bay dễ dàng trong không khí nên chúng ta có thể nuốt phải. 

 

       Trứng giun vào cơ thể người sẽ có thời gian ủ bệnh từ 1 – 2 tháng hoặc lâu hơn và trưởng thành ở ruột non. Giun cái trưởng thành di chuyển đến ruột già và đẻ trứng quanh hậu môn vào ban đêm. Lúc này, người bệnh đang ngủ có cảm giác ngứa hậu môn và mất ngủ. Người bị nhiễm giun kim có thể lây truyền ký sinh trùng cho người khác, thậm chí người bệnh có thể tự tái nhiễm hoặc bị tái nhiễm bởi trứng giun.

 

Hướng Dẫn Phòng Ngừa Và Điều Trị Nhiễm Giun Kim

                                                

Các triệu chứng của nhiễm giun kim

       Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng khi nhiễm giun kim thường không rõ ràng. Người bệnh rất khó nhận biết mình có bị nhiễm giun kim hay không nếu không khám định kỳ.

 

       Ở giai đoạn nhiễm giun kim trong thời gian dài, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng:

 

  • Ngứa vùng hậu môn hoặc âm đạo.
  • Mất ngủ, khó chịu, nghiến răng và bồn chồn.
  • Thỉnh thoảng đau bụng và buồn nôn.

Đối tượng nào có nguy cơ nhiễm giun kim?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun kim bao gồm:

 

  • Trẻ nhỏ: bệnh giun kim không phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi nhưng lại thường gặp ở trẻ từ 5 – 10 tuổi. Trứng giun dễ lây lan từ người bệnh sang các thành viên trong gia đình, người chăm trẻ hoặc những trẻ khác.
  • Sống ở nơi đông đúc: những người sống ở vùng dịch tễ thường có ca bệnh giun kim sẽ đối diện nguy cơ nhiễm giun kim cao hơn.

Nhiễm giun kim có lây không? Lây qua đường nào?

       Có. Giun kim rất dễ lây lan ở khoảng cách gần. Người bệnh nhiễm giun kim khi vô tình nuốt hoặc hít phải trứng giun kim. Trứng giun vào miệng thông qua thức ăn, đồ uống bị nhiễm trứng hoặc tay bẩn. Sau khi nuốt phải, trứng nở trong ruột và trưởng thành trong vài tuần.

 

       Giun kim đẻ trứng thường gây ngứa hậu môn. Khi gãi vào chỗ ngứa, trứng sẽ bám vào ngón tay và móng tay, sau đó lây lan sang các bề mặt khác, chẳng hạn như đồ chơi, giường hoặc bồn cầu. Trứng cũng có thể truyền gián tiếp từ ngón tay bị nhiễm sang đồ ăn, thức uống, quần áo của người này sang người khác.

 

Hướng Dẫn Phòng Ngừa Và Điều Trị Nhiễm Giun Kim



Tác hại của giun kim gây ra là gì?

       Các tác hại mà giun kim có thể gây ra cho người bệnh gồm:

 

  • Hậu môn ngứa ngáy vào ban đêm: nhiệt độ giường ấm áp là điều kiện kích thích giun cái chui ra hậu môn đẻ trứng và gây ngứa.
  • Rối loạn tiêu hóa: giun kim có thể chui vào ruột gây rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn và đau bụng. Thậm chí, giun còn có thể lọt vào ruột thừa gây viêm ruột thừa
  • Các triệu chứng khác: trẻ nhiễm giun kim trong thời gian dài có thể khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng,…


Biến chứng có thể gặp khi nhiễm bệnh giun kim

       Hầu hết người nhiễm giun kim không có biến chứng nguy hiểm nhưng trong một số ít trường hợp có thể xảy ra:

 

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có khả năng tiến triển nghiêm trọng nếu người bệnh không được điều trị.
  • Viêm âm đạo và viêm nội mạc tử cung nếu giun di chuyển từ hậu môn đến âm đạo, ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng và các cơ quan khác trong vùng chậu.
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa và bụng sẽ xảy ra nếu giun kim xuất hiện với số lượng lớn. Hơn thế nữa, giun kim sẽ hút chất dinh dưỡng từ cơ thể và làm người bệnh giảm cân.


Khi nào cần gặp bác sĩ?

       Trẻ dưới 2 tuổi, thai phụ hoặc đang cho con bú nếu nghi ngờ nhiễm giun kim phải đi điều trị ngay.

       Ngoài ra, nhóm đối tượng sống trong môi trường dịch tễ giun kim cũng nên đi khám tầm soát.

       Với nhóm trẻ và người bệnh thường thấy ngứa ngáy hậu môn vào ban đêm và có thể kè các triệu chứng trên cũng nên đi tầm soát bệnh giun kim kí sinh.


 Xem thêm:


- Bệnh Chân Tay Miệng Ở Trẻ Và Cách Điều Trị (Nhấn vô dòng gạch chân)


- Cấy Que Tránh Thai Uy Tín Ở Quy Nhơn (Nhấn vô dòng gạch chân)


Phương pháp chẩn đoán bệnh giun kim

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thu thập trứng giun kim bằng kỹ thuật Graham (hay Scotch tape):

 

  1. Dán một miếng băng dính trong suốt lên vùng da nhăn quanh hậu môn ngay khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng.
  2. Trứng sẽ dính vào băng.
  3. Mang băng dính cho bác sĩ và làm theo chỉ dẫn.
  4. Bác sĩ sẽ xét nghiệm mẫu băng xem có trứng giun hay không.
  5. Tốt nhất là thực hiện kiểm tra băng ngay khi người bệnh thức dậy, trước khi tắm hoặc sử dụng phòng tắm.
  6. Lấy mẫu liên tiếp trong nhiều ngày sẽ cho ra kết quả chính xác hơn.

 

Hướng Dẫn Phòng Ngừa Và Điều Trị Nhiễm Giun Kim

       Cách khác để chẩn đoán bệnh chính là trực tiếp nhìn thấy giun kim. Khi người bệnh ngủ, giun kim cái trưởng thành sẽ chui ra khỏi trực tràng để đẻ trứng quanh hậu môn. Những con giun nhỏ, mỏng, màu trắng xám quanh hậu môn này có thể nhìn thấy bằng mắt thường sau khi người bệnh ngủ thiếp đi.

 

       Người bệnh có thể dính chúng lên băng keo hoặc nói cho bác sĩ biết rằng đã nhìn thấy giun. Ngứa hậu môn vào buổi tối hoặc ban đêm là triệu chứng điển hình của bệnh giun kim và việc tìm thấy giun trưởng thành hoặc trứng sẽ giúp xác định bệnh, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp.

 

Cách điều trị bệnh nhiễm giun kim

       Giun kim truyền từ người này sang người khác dễ dàng nên tất cả các thành viên trong gia đình người bệnh và bất kỳ ai tiếp xúc ở khoảng cách gần cũng cần điều trị để ngăn lây nhiễm hoặc tái nhiễm giun kim.

 

  • Thuốc uống: Các loại thuốc được sử dụng để điều trị giun kim là mebendazole, pyrantel pamoate hoặc albendazole. Thuốc được sử dụng 1 liều và lặp lại cùng loại thuốc đó sau 2 tuần. Liều thuốc đầu tiên không thể tiêu diệt trứng giun kim hoàn toàn. Do đó, liều thứ hai sẽ ngăn giun con nở ra từ trứng không bị loại bỏ sau liều thuốc đầu. Thuốc chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai và  trẻ dưới 2 tuổi.
  • Thuốc bôi: kem hoặc thuốc mỡ có thể cải thiện tình trạng ngứa hậu môn.
  • Dọn dẹp nhà cửa: ngoài uống thuốc, bạn thường xuyên dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa để có thể loại bỏ trứng giun kim. Tốt nhất, bạn dùng máy hút bụi ở khu vực trải thảm, tránh giũ quần áo và giường chiếu để trứng giun không văng vào không khí, khử trùng bất kỳ bề mặt nào có thể có trứng như sàn nhà, mặt bàn và bồn cầu.  

 Hướng Dẫn Phòng Ngừa Và Điều Trị Nhiễm Giun Kim


Biện pháp ngăn ngừa tình trạng nhiễm giun kim

       Dưới đây là các biện pháp ngăn ngừa nhiễm giun kim:

 

  • Rửa tay thường xuyên: sử dụng xà phòng và nước ấm để rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi thay tã, trước khi ăn và sau khi chơi với thú cưng. Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay.
  • Giữ gìn vệ sinh: thường xuyên khử trùng đồ chơi, nhà vệ sinh, đồ dùng, bát đĩa và các bề mặt khác  bằng xà phòng và nước để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
  • Tắm thường xuyên: người bệnh nên tắm hàng ngày, nhất vùng hậu môn để loại bỏ trứng ra khỏi cơ thể. Tắm vòi sen hiệu quả hơn tắm bồn vì bồn tắm làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Người bệnh không nên tắm ở các cơ sở công cộng như hồ bơi cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh.
  • Cắt móng tay: tránh để móng tay dài vì trứng giun có thể lọt vào kẽ móng tay
  • Tránh chạm vào vùng hậu môn: không chạm hoặc gãi hậu môn vì có nguy cơ tái nhiễm cho chính người bệnh và lây lan cho người xung quanh.
  • Giặt ga trải giường, khăn tắm và quần áo lót thường xuyên cho đến khi bệnh hoàn toàn được điều trị. Không nên giũ quần áo trước khi giặt vì trứng có thể văng khắp nơi và lây nhiễm.

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Chăm Sóc Trẻ Bị Rôm Sảy

 

       Rôm sảy là căn bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tuy là bệnh ngoài da lành tính nhưng nếu điều trị không đúng cách, bệnh rôm sảy có thể gây ra những hệ lụy xấu tới sức khỏe của trẻ. Liệu trẻ bị rôm sảy có tự hết không và các cách phòng tránh rôm sảy ở trẻ là gì?

 


trẻ bị rôm sảy


1. Triệu chứng của rôm sảy

      Thời tiết nóng bức, oi ả khiến mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên mồ hôi không thoát ra ngoài hết và bị ứ đọng lại. Mặt khác, ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng. Điều này thường xảy ra khi thời tiết nóng nhưng đôi khi là do trẻ được mặc quá nhiều quần áo. Trẻ bị sốt cao hay trẻ ở trong lồng kính cũng có thể bị nghẽn các tuyến mồ hôi. Việc vận động cơ thể, chơi đùa với cường độ cao, mặc quần áo bằng một số loại vải pha nilon gây bí hoặc do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da bài tiết một loại chất nhờn cũng có thể làm bít các ống tuyến mồ hôi.

 

       Rôm sảy là những nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh và thường mọc ở đầu, cổ, ngực, lưng,... Chỗ rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát. Vì vậy, trẻ bị rôm sảy thường gãi ngứa và dễ làm da bị lở do viêm nhiễm.

 

Nắng nóng

Thời tiết nóng bức và mồ hôi là nguyên nhân khiến làn da bị nổi rôm sảy


trẻ bị rôm sảy


Có 3 dạng rôm sảy ở trẻ là:

 

       Rôm dạng tinh thể: Thường xảy ra ở trẻ nhỏ do chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi. Loại rôm sảy này không biểu hiện viêm, thường xảy ra do sốt cao và để lại các mảng da bị bong khi đã khỏi bệnh.

       Rôm đỏ: Thường xảy ra do thời tiết nóng ẩm.

       Rôm sâu: Xảy ra do tuyến mồ hôi bị tổn hại nặng nề, thường sau khi bị rôm đỏ kéo dài.


2. Rôm sảy có tự hết không?

      Xét về bản chất, rôm sảy là bệnh do quá nóng mà ra, vì vậy mà khi thời tiết trở nên mát mẻ thì bệnh sẽ tự dưng hết. Tuy nhiên, "hết" ở đây không phải là rôm sảy đã khỏi hoàn toàn mà là khi thời tiết trở nên mát mẻ, da trẻ bớt nóng và không tiết mồ hôi nữa nên các triệu chứng của bệnh sẽ biến mất nhưng triệu chứng đó sẽ tiếp tục tái phát nếu như gặp thời tiết nóng bức, nhất là vào mùa hè.

 

      Thông thường, khi rôm sảy tái phát nhiều lần sẽ phát triển thành bệnh rôm sảy sâu, hiểu đơn giản thì đây là bệnh hình thành do tái phát nhiều đợt rôm sảy đỏ. Lúc này, mức độ của bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều so với lúc đầu, sự tổn thương không chỉ là trên bề mặt da của trẻ nữa mà là tổn thương vào lớp sâu bên trong da. Các tổn thương chắc có màu thâm, từ đó, dễ dẫn tới tình trạng không có mồ hôi lan rộng, trẻ dễ bị kiệt sức, mạch đập nhanh, nôn ói liên tục,...

 

       Nói cách khác, bệnh rôm sảy không thể nào tự khỏi nếu như cha mẹ không có các biện pháp can thiệp kịp thời. Thậm chí, khi mụn nước bị vỡ ra sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập vào da, gây viêm da mãn tính, nhiễm trùng da, nguy hiểm hơn là gây nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng và đe dọa tới tính mạng của trẻ. Thêm vào đó, khi trẻ bị rôm sảy kéo dài sẽ khiến trẻ ngứa ngáy, quấy khóc cả ngày lẫn đêm, không chịu ăn, cơ thể nhanh chóng suy nhược và sụt cân. Các mụn mủ vỡ ra còn để lại sẹo, ảnh hưởng tới mỹ quan về sau của trẻ.

 

trẻ bị rôm sảy

3. Điều trị rôm sảy

       Điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi bằng phương pháp điều hòa nhiệt độ: Máy lạnh, quạt thông khí, mặc quần áo thoáng mát và hạn chế vận động. Khi da được làm mát, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.

 

       Dạng rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị nhưng ở các dạng nặng hơn đôi khi cần phải được điều trị bằng các loại thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng.

 

       Khi trẻ bị rôm sảy, cha mẹ cần giữ cho trẻ không được gãi hoặc cào mạnh vào các nốt rôm để tránh làm xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây bội nhiễm hoặc nặng hơn là gây biến chứng nhiễm trùng lan rộng.

 

       Cha mẹ nên xoa nhẹ vào vùng bị rôm để con cảm thấy dễ chịu hơn. Đồng thời, giữ cho cơ thể trẻ luôn được mát mẻ, thoáng khí, hạn chế việc trẻ phải bài tiết nhiều mồ hôi.

 

       Tắm thường xuyên cho trẻ giúp cơ thể mát, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bít kín. Tắm bằng dung dịch thuốc tím pha loãng 1/10.000, sữa tắm loại không chứa xà phòng, không màu, không mùi cho trẻ em tắm bằng các bài thuốc dân gian như lá chè xanh, mướp đắng, lá khế,... Cha mẹ có thể dùng phương pháp này để tắm cho con khi con chớm bị rôm.

 

       Cần lưu ý, nếu mua các loại lá này ở chợ thì nên ngâm với nước muối cho thật sạch để đảm bảo không còn tồn dư các loại hóa chất bảo quản trước khi đun tắm cho trẻ. Không nên vắt quá nhiều chanh hoặc chà xát vào vùng da bị nổi rôm của trẻ vì như vậy có thể khiến làn da nhạy cảm của trẻ bị tổn thương, loét da, gây đau rát.

 

4. Phòng tránh rôm sảy ở trẻ

       Để phòng tránh tình trạng trẻ bị rôm sảy, cá chuyên gia khuyến cáo:

 

  • Cha mẹ cần cho trẻ ở những nơi thoáng gió, tránh tụ tập ở nơi đông người trong thời tiết oi bức.
  • Cha mẹ cần lưu ý giữ cơ thể trẻ luôn khô ráo, hạn chế tối đa tình trạng mồ hôi đọng trên da của trẻ quá lâu.
  • Cha mẹ nên mặc cho trẻ các loại quần áo làm từ vải cotton rộng thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Cần cho trẻ uống đủ nước và tăng cường các loại đồ uống, trái cây tươi giàu vitamin C để tăng sức đề kháng, chống lại các tác động xấu từ bên ngoài.
  • Không nên ủ trẻ quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo.

       Trường hợp trẻ bị rôm sảy kéo dài từ 7 - 10 ngày trở lên, lan rộng toàn thân hay có các dấu hiệu bội nhiễm như: Da sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ chảy ra, sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, sốt, ớn lạnh,..., cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, tránh để lại biến chứng.

 

        Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

 

       Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

 

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

 

- Những Quan Niệm Cần Thay Đổi Khi Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh ( Nhấn vô phần gạch chân)

 

- Cấy Que Tránh Thai Uy Tín Ở Quy Nhơn ( Nhấn vô phần gạch chân)

 

       Hãy thường xuyên truy cập website http://www.bacsi-tan.net/ và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

 

Theo dõi bài đăng của Bs Tân

Liên Hệ Hỗ Trợ

Email: bacsitan.n01@gmail.com

Đội Ngũ Phòng Khám